Ý kiến bạn đọc
Sự kiện nổi bật
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam là đội tuyển có sự thay đổi bất ngờ nhất về nhân sự HLV khi SEA Games 29 cận kề. Ông Nguyễn Quốc Vũ bảo rằng đội tuyển dưới thời mình sẽ phải thi đấu chắc từng ván đấu, từng trận đấu chứ không thể vội vàng.
Đã hết ngại ngần
Trò chuyện cùng SGGP Thể Thao hôm qua 4-7, HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ cho biết: “Sự e ngại của tôi đã qua đi. Nhưng khi mình đứng vai trò HLV trưởng đội tuyển nữ quốc gia thì áp lực và trọng trách không nhỏ. Tôi cùng các em VĐV đều cố gắng từ tập luyện tới thi đấu”. Giải nữ quốc tế VTV Cúp 2017 sắp diễn ra tại Hải Dương là dịp thể hiện đầu tiên của ông Vũ trong vai trò mới. Phó chủ tịch Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam (VFV) – ông Trần Đức Phấn nhận định cùng ngày rằng “HLV Nguyễn Quốc Vũ không lạ với đội tuyển và bóng chuyền nữ Việt Nam. Ông Vũ có thể e dè với vị trí HLV trưởng. Nhưng, ông Vũ có lợi thế là nắm rõ các VĐV nữ và biết cách họ thi đấu thế nào”. Nhà quản lý VFV và bộ môn bóng chuyền đã đạt được thỏa thuận với ông Vũ để HLV này toàn tâm làm người đứng đầu tuyển nữ từ nay tới hết SEA Games 29. Người trong nghề đều biết, HLV Nguyễn Quốc Vũ là người hiền lành. Đôi lúc, thầy Vũ không thật quá cá tính. Tuy vậy, HLV người Long An này lại tạo được niềm tin đối với những nhà quản lý ở việc quản lý được VĐV, làm cho cầu thủ quý trọng và tôn trọng chứ không ghét bỏ lời ra tiếng vào. Thực tế, với bóng chuyền nữ Việt Nam (đặc biệt là cấp đội tuyển), các tuyển thủ phải nể HLV thì họ mới chơi hết mình, đạt kết quả như mong đợi. Chúng ta chưa vội tin bóng chuyền nữ Việt Nam đủ sức giành HCV SEA Games sắp tới. Nhưng ít nhất, bảo vệ được HCB là hoàn thành đúng chỉ tiêu.
Tâm lý cởi bỏ được không
“Việc thay đổi HLV trưởng cũng có sự tác động tâm lý với VĐV. Nhưng bây giờ, tập thể đội tuyển đã lên tình thần rất cao. Chúng tôi có các cuộc thử sức phù hợp trước khi đi SEA Games 29 nên mọi người đều yên tâm trong sự chuẩn bị”, ông Vũ nói thêm. Năm 2011, khi SEA Games cận kề, chuyên gia Trung Quốc đã phải rời đội tuyển nữ vì lý do sức khỏe và trợ lý Nguyễn Tuấn Kiệt (lúc đó) được đảm nhiệm vai trò chỉ đạo. Chúng ta giành HCB tại SEA Games 2011 ở môn bóng chuyền nữ. Năm nay, trường hợp không khác như năm 2011 bao nhiêu. Một sự khác biệt nhỏ chính là ông Nguyễn Quốc Vũ có nhiều hơn thời gian để rèn luyện, chỉ đạo cầu thủ trước khi SEA Games diễn ra. Gần 2 tháng tập luyện rồi dự VTV Cúp 2017, giải vô địch châu Á 2017, ông Vũ chắc chắn biết điểm yếu của tuyển nữ Việt Nam ở đâu để khắc phục. Như chúng tôi đã nói ở trên, tâm lý VĐV trong thi đấu có tác động 1 còn tâm lý của VĐV chịu nghe HLV hay không mới ảnh hưởng tới 10.
VFV khẳng định vẫn tiếp tục thuê chuyên gia Nhật Bản với chiến lược đào tạo, phát triển bóng chuyền nữ dài hơi. Điều này phù hợp. Trường hợp của HLV trưởng Nguyễn Quốc Vũ hoặc HLV trưởng Nguyễn Tuấn Kiệt hay các cựu HLV trưởng của đội tuyển nữ là Thái Thanh Tùng, Phạm Văn Long khi làm việc trên tuyển hoàn toàn chỉ thời vụ. Công việc huấn luyện tại CLB chủ quản của họ vẫn quan trọng hơn. Việc trên tuyển chỉ theo giai đoạn cần thiết cho giải đấu. Tìm chuyên gia hoặc một HLV chuyên cho đội tuyển và đào tạo dài hơi cầu thủ nữ mới là hướng đi chuyên nghiệp, cần thiết.
“Lần đầu làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia ai cũng gặp khó và tôi không ngoại lệ. Những áp lực của đội tuyển sẽ là động lực để tôi khẳng định mình khi chấp nhận vai trò này. Các VĐV thành công nghĩa là mình đã làm tốt công việc”, ông Vũ giãi bày. Cũng theo ông Vũ, BHL tuyển nữ Việt Nam không bổ sung thêm trợ lý và con người hiện tại đã hoàn thiện.
Các tin khác